Sự nghiệp Phạm_Bạch_Hổ

Đánh Nam Hán

Phạm Bạch Hổ từng làm hào trưởng đất Đằng Châu, theo giúp Dương Đình Nghệ[1].

Năm Tân Mão 931, ông giúp chủ tướng đánh đuổi Lý Tiến, thứ sử Giao Châu của nước Nam Hán và sau đó đánh bại Trần Bảo do Lưu Nghiễm cử sang cứu viện. Dương Đình Nghệ xưng tiết độ sứ, dùng ông làm nha tướng [1].

Phò Ngô

Khi Kiều Công Tiễn giết chết chủ tướng Dương Đình Nghệ, đoạt chức rồi cầu cứu quân Nam Hán sang xâm lược. Phạm Bạch Hổ đã phối hợp với Ngô Quyền đem quân tiêu diệt Kiều Công Tiễn và đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938)[1]. Nhà Ngô phong ông chức Phòng Át tướng công, trấn giữ toàn cõi Hải Đông (khu vực nam Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay)[2]

Khi Ngô Quyền mất (944), Dương Tam Kha cướp ngôi vua của Ngô Xương Ngập. Vùng núi Hun Sơn của cha con ông là nơi che chở cho Ngô Xương Ngập 2 lần trốn thoát khỏi truy lùng của họ Dương. Sau khi Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi giúp Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ tham gia giúp Hậu Ngô Vương[3].

Sứ quân trấn Hải Đông

Năm 965, Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt trong nước nổi lên cát cứ từng vùng. Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu[4] và là một trong mười hai sứ quân thời đó. Những dấu tích ở Côn Sơn, Đông Triều cho thấy khu vực chiếm đóng của Phạm Bạch Hổ còn lan ra cả vùng đông bắc, tức khu vực Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay và khu vực núi Hun Sơn nơi mà Phạm Lệnh Công cha ông từng giấu Ngô Xương Ngập cũng là một căn cứ quân sự của ông, từng diễn ra nhiều trận đánh với tướng Nguyễn Bặc của Đinh Bộ Lĩnh. Tên núi Hun Sơn gắn với sự kiện tướng quân Hoa Lư là Nguyễn Bặc, dùng kế hỏa công, lợi dụng gió thổi đốt lửa hun khói vào doanh trại của Phạm Bạch Hổ.[5]

Ngoài việc chiếm đóng Hải Đông, Phạm Phòng Át còn mở rộng lãnh địa bằng các cuộc tấn công về phía nam thuộc lãnh địa Kỳ Bố Hải Khẩu của sứ quân Trần Lãm và về phía bên kia sông Hồng tại các vùng Hà Nam, Nam Định ngày nay. Thần tích làng Ngâu Khê và miếu Lộc Thọ ở Thái Bình cho biết các tướng Phạm Công Thanh, Phạm Công Hoài, Phạm Công Đinh, Phạm Thành là những người cũng Đinh Bộ Lĩnh theo về với sứ quân Trần Lãm và trực tiếp tham gia chiến tranh với sứ quân Phạm Bạch Hổ.[6] Qua khảo sát thực địa tại cánh đồng Nội Phủ ở Thái Bình, nơi Trần Lãm cho Đinh Bộ Lĩnh cùng các tướng đắp thành, đất để ngăn chặn sứ quân Phạm Phòng Át và Lã Đường từ Hưng Yên sang đánh hiện còn sót lại phế tích của bức tường thành bằng đất (dân ở đây quen gọi là đường đất dài – vì tường thành cũ rất dài) có hình chữ nhật, chiều dài khoảng 700 - 800m, rộng khoảng 500 - 600m. Theo thần phả, thần tích các làng thờ Lê Hoàn ở làng Đô Kỳ (Đông Đô), làng Bái (xã Minh Tân) cũng ở Thái Bình thì Lê Hoàn đã từng đánh nhau với quân của Phạm Bạch Hổ tại vùng đất nói trên.[7]

Thần tích đình Mai Động ở Hà Nam cho biết hai anh em Phạm Hán và Phạm Phổ gặp thời loạn 12 sứ quân, bèn kết giao hào kiệt bốn phương, chiêu mộ trai tráng thiết lập đồn lũy trên đất Mai Khu và đánh nhau với sứ quân Phạm Phòng Át và Ngô Nam vài chục trận; hai ông giữ phần thắng.[8]

Căn cứ vào tư liệu còn lưu giữ tại chùa Đô Quan (Yên Khang, Ý Yên, Nam Định) cùng truyền thuyết ở địa phương thì từ thế kỷ thứ 10, sứ quân Phạm Phòng Át về đây lập nên phường Quán Đổ.[9] Thần phả làng Nhuệ Khê, thần tích đình Cát Đằng và Phủ Bà ở Nam Định đều cho biết các tướng Đinh Đức Đạt, Đinh Đức Thông, Hoàng Thị Đậu, Nguyễn Đức Long là những người theo Đinh Bộ Lĩnh và trực tiếp tham gia chiến tranh với sứ quân Phạm Bạch Hổ.

Hàng phục nhà Đinh

Đinh Bộ Lĩnh được sứ quân Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền, mang quân đánh dẹp Loạn 12 sứ quân. Đầu năm 966, sau ít nhất 3 lần giao tranh tại Hải Dương, Thái Bình và Nam Định, Phạm Bạch Hổ đã mang quân về Hoa Lư theo hàng Đinh Bộ Lĩnh, được phong là thân vệ Đại tướng quân. So với 2 tướng cũ nhà Ngô khác là Kiều Công HãnĐỗ Cảnh Thạc vẫn kiên quyết chống cự ngay cả khi các hậu duệ nhà Ngô đã hàng phục và về với nhà Đinh, có thể Phạm Bạch Hổ là người ít có tham vọng bá vương hơn nhưng có con mắt tinh đời, biết nhìn nhận thời thế nên thoát khỏi cảnh binh đao, chết chóc.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, lên ngôi ở kinh đô Hoa Lư, tức là Vua Đinh Tiên Hoàng. Phạm Bạch Hổ trở thành tướng nhà Đinh, được vua Ðinh phong chức Thân vệ Đại tướng quân.

Ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Thân (tức 24 tháng 12 năm 972), Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi. Đinh Tiên Hoàng đã sắc cho nhân dân lập đền thờ, các triều đại đều phong tặng ông là: "Khai thiên hộ quốc tối linh thần". Tuy nhiên một số nguồn tin khác cho biết ông còn tham gia đánh giặc Tống trên sông Bạch Đằng lần thứ 2 và sống đến tận khi Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế thay nhà Đinh, tức năm 983, thọ 73 tuổi.[10]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phạm_Bạch_Hổ http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DINH---CHUA-DO-... http://hophamhanoi.com/2921-le-gio-thanh-hoang-lan... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://hophamvietnam.org/index.php?mn=newsdetail&k... http://www.baohungyen.vn/content/viewer.asp?a=4029... http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/1000_nam_thang_long/... http://www.hungyen.gov.vn/index.asp?newsID=634&lan... http://consonkiepbac.org.vn/t404/chua-con-son http://www.tienphong.vn/van-nghe/den-vua-may-bi-la... http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/phat-hien-thanh-q...